Theo điều 24 Luật quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản quy định, thực tập sinh còn hạn tư cách lưu trú mà bỏ trốn nơi thực tập ra ngoài sinh sống bất hợp pháp hoặc ở lại không về nước sau khi hết hạn hợp đồng đều bị coi là vi phạm luật Quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản. Thực tập sinh có thể bị bắt giữ, trục xuất bất cứ lúc nào và bị xử phạt theo quy định của pháp luật Nhật Bản.
Với thực tập sinh
- Lao động bỏ trốn khi đi xuất khẩu lao động sang Nhật sẽ bị xử phạt một trong những hình phạt sau: bị phạt tù dưới 3 năm hoặc bị phạt tiền đến 3.000.000 yên hoặc kết hợp phạt tù với phạt tiền
- Đặc biệt là những lao động bỏ trốn bị cưỡng chế trục xuất khỏi Nhật Bản sẽ không được nhập cảnh quay lại Nhật Bản trong vòng 5 -10 năm.
- Theo luật mới năm 2018, không chỉ lao động bất hợp pháp bị xử phạt mà chủ sử dụng lao động bất hợp pháp, người giới thiệu lao động bất hợp pháp cũng bị xử phạt. Đó là tội tiếp tay cho lao động bất hợp pháp.
Với chủ sử dụng lao động
Chủ sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị phạt tù dưới 3 năm hoặc phạt tiền lên đến 3000.000 yên. Hoặc kết hợp phạt tù với phạt tiền. Đối với trường hợp lấy lý do thuê lao động nước ngoài nhưng không biết lao động đó là lao động bất hợp pháp hoặc không kiểm tra thẻ lưu trú của lao động đó …đều không được miễn tội.
Lưu ý: Nếu người chủ lao động là người nước ngoài sử dụng lao động bất hợp pháp hoặc giới thiệu lao động bất hợp pháp đều bị trục xuất ra khỏi đất nước Nhật Bản. Người không báo cáo lao động bất hợp pháp hoặc báo cáo giả sẽ bị phạt tiền lên đến 300.000 yên.
Chính vì vậy, khi phát hiện ra lao động bất hợp pháp hoặc khi có ý định tuyển dụng lao động nước ngoài nhưng phát hiện ra lao động đó là cư trú bất hợp pháp phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của địa phương.
Những hành vi che giấu, chứa chấp người nước ngoài nhằm giúp đỡ cho người nước ngoài đã bị cưỡng chế trục xuất ở lại cư trú bất hợp pháp Nhật Bản sẽ bị phạt tù dưới 3 năm hoặc bị phạt tiền đến 1000.000 yên.
Trường hợp che giấu vì mục đích lợi nhuận sẽ bị xử phạt nặng hơn, có thể bị phạt tù dưới 5 năm hoặc phạt tiền đến 3000.000 yên.
Việc lao động bỏ trốn tại Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của lao động đó mà còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Đối với lao động bỏ trốn: Không chỉ chịu xử phạt theo quy định của pháp luật Nhật Bản mà còn phải sống cuộc sống “chốn chui chốn lủi”, luôn lo lắng bị bắt và trục xuất về nước. Khi bị ốm đau, bệnh tật không dám đi bệnh viện. Đặc biệt, bị chủ sử dụng lao động bóc lột cũng không dám kêu than,…
Đối với xí nghiệp tiếp nhận bên Nhật Bản: Ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Phía xí nghiệp Nhật Bản phải tìm người thay thế cho vị trí lao động bỏ trốn.
Đối với công ty phái cử tại Việt Nam: Làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Công ty.
Đối với những lao động dự định sẽ đi Nhật làm việc: Do tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ngày càng tăng nên các nhà tuyển dụng Nhật Bản sẽ yêu cầu khắt khe hơn. Điều này gián tiếp làm mất đi nhiều cơ hội của lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.